Địa điểm ăn uống - Món Ngon Hà Nội

Searching...
Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

KINH HOÀNG " MÁY CHÉM" TẠI QUÁN CƠM BÌNH DÂN Ở BẾN XE GIÁP BÁT

Trong suy nghĩ của hành khách ở bến xe Giáp Bát, 1 suất "cơm - phở bình dân" cũng chỉ khoảng 25 - 30 nghìn đồng, nhưng khi thanh toán thì... nhiều người tụt huyết áp.

Giữa hàng ngàn âm thanh pha trộn bởi tiếng xe, tiếng cười nói, tiếng chèo kéo khách của cánh xe ôm… ở bến xe Giáp Bát (Hà Nội), không khó để hành khách có thể nhận ra tiếng mời chào đầy thân thiện phát ra sau những tấm biển “cơm – phở bình dân” mọc lên như nấm tại đây. Thêm vào đó, mùi vị thơm phức phả ra từ các món ăn càng kích thích khứu giác, vị giác của rất nhiều người sau những chuyến xe đường dài.



Nhưng ít ai trong số họ biết rằng, sau tấm biển “cơm - phở bình dân”, sau những khuôn mặt thân thiện, lời mời chào ngọt ngào là những “máy chém” với giá 50 nghìn đồng/bát phở; 70 nghìn đồng/suất cơm; 60 nghìn đồng/bát canh.

Đã từng nếm mùi dịch vụ “phở chửi, cơm cắt cổ” ở nơi bến xe đông đúc bậc nhất Hà thành này, mang theo tinh thần dạn dĩ của người từng trải, chúng tôi trở lại nơi mà cánh xe ôm ở đây "ưu ái" dành cho chủ quán biệt danh “sư tử”. Vẫn là “cảnh cũ” nhưng không còn thấy “người quen”. Một gương mặt khác đã đứng ra đảm đương vai trò “cắt cổ” thực khách khi chúng tôi bước chân vào quán M.C.

Làm quen với N.T.H, 1 sinh viên năm thứ nhất của Học viện Thanh thiếu niên vào trưa ngày 11/6/2014, chúng tôi đã được chứng kiến tận mắt cảnh “máy chém” kề sát cổ cậu sinh viên ấy.



Lúc này, chủ quán đang tất bật với hàng tá công việc riêng nên việc phục vụ khách hàng là một người đàn ông mặc đồng phục của tài xế taxi. Sự nhiệt tình và chuyên nghiệp của người này cùng một bé gái khoảng 10 tuổi khiến khách hàng nở nụ cười hài lòng.

Gọi cho mình suất cơm, H. ngồi chờ đợi. Ngồi ở bàn bên cạnh, tôi cũng gọi cho mình bát phở và lặng lẽ quan sát. Suất cơm của H. chỉ có hơn bát cơm, một ít rau, hai miếng thịt và một miếng chả. H. vẫn thản nhiên ăn và trong lòng chắc mẩm, suất cơm ấy chỉ khoảng 20 nghìn đồng, cao lắm là 30 nghìn đồng.

Khi H. đứng lên trả tiền, bé gái tham gia bán hàng trả lời gọn lỏn: “60 nghìn”. Câu trả lời ngắn gọn của cô bé đã khiến anh chàng sinh viên năm nhất choáng váng. Không tin vào lời cô bé còn quá nhỏ ấy, thấy bà chủ quán xuất hiện, H. lặp lại: “Cô cho cháu trả tiền đĩa cơm”. “60 nghìn”, câu trả lời cụt ngủn và lạnh lùng của bà chủ quán trạc 40 tuổi như bát nước lạnh dội vào H.

Biết mình “tiến thoái lưỡng nan”, H. lúi húi lục khắp các túi quần áo. Phải mất khoảng 5 phút đứng riêng một chỗ để tìm tiền, H. mới gom đủ 60 nghìn để trả cho suất cơm “nhớ đời” của mình.

Bản thân tôi cũng phải thanh toán 50 nghìn đồng cho bát “phở luộc” với lèo tèo vài ba miếng thịt bò thái mỏng, mấy lát hành lạc lõng.

Nhìn thấy chúng tôi bước ra khỏi quán sau khi đã thanh toán tiền, một chủ quán gần đó giơ hai tay lên ngang cổ, lắc đầu ra ám hiệu “cắt cổ”. Ông chủ này không ngần ngại nói với tôi: “Nhìn thấy anh đi xe vào quán đó là tôi đã nghĩ ngay là thế nào cũng ân hận khi quay ra”.

Câu chuyện “cơm phở cắt cổ” ở quán M.C mà nhóm phóng viên chúng tôi ghi nhận được còn xảy ra với 4 công nhân xây dựng vào ngày 13/6/2014.

Giống như rất nhiều người khác, khi vừa ra khỏi bến xe, 4 vị khách này lựa chọn cho mình quán ăn M.C để làm yên cái bụng đang réo ồn ào sau chuyến xe đường dài. “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” giữa cái nắng gay gắt của những ngày tháng 6, họ kiếm về cho mình được 200 nghìn đồng tiền công mỗi ngày. Số tiền công ấy để dành lo cho cuộc sống của cả gia đình với biết bao miệng ăn ở quê đang chờ đợi. Vậy mà, sau khi ăn xong, họ phải trả 250 nghìn đồng cho 3 suất cơm, 1 bát phở… Cái giá ấy khiến gương mặt cả 4 người tái đi khi bước chân ra khỏi quán. Họ không nói gì với nhau mà chỉ lặng lẽ đi, khác hẳn không khí sôi nổi lúc bước chân vào quán.

Trò chuyện với tôi, 1 người trong nhóm nói rằng, trong suy nghĩ của họ thì bữa cơm của 4 người chỉ khoảng 100 nghìn đồng. “Người ta bán như thế rồi thì mình biết nói thế nào được” - người công nhân ngậm ngùi. Và họ cũng như nhiều người khác vẫn ngậm ngùi cho qua như thế để vô tình tạo nên thương hiệu “ăn một lần” cho quán cơm M.C nằm trên đường Giáp Bát (Hà Nội).


Người xe ôm già đứng gần đó chứng kiến chứng kiến cảnh quen thuộc ấy… dù cũng xót xa cho 4 người công nhân nghèo nhưng chỉ biết thở dài: “Đằng nào thì cũng đã ăn, rút kinh nghiệm lần sau”...

Theo Soha
 
Lên đầu!